Tại sao có lễ cúng cơm trong 100 ngày?

Phong tục, lễ nghi thờ cúng người đã mất là một nét văn hóa truyền thống đẹp của người Việt chúng ta, các nghi thức thờ cúng mọi người nên làm đúng theo cách của ông bà để lại.

Đối với lễ cúng 100 ngày người mất vô cùng quan trọng, không chỉ thể hiện lòng kính trọng, tưởng nhớ người mất mà còn giúp linh hồn người mất về được nơi yên nghỉ.

Tại sao lại cúng 100 ngày?

Theo bậc thiện tu thì đây là làm theo phong tục. Mà phong tục là do con người đặt ra căn cứ vào bối cảnh xã hội, tâm lý cụ thể, đúng ở thời điểm này nhưng sai ở thời điểm khác. Cũng theo người, tác động của việc làm lễ cúng cơm 100 ngày (kể cả 49 ngày) là làm cho người sống an tâm, chứ khó làm thay đổi vấn đề của người mất .

Các cụ chọn ngày này cũng rất khoa học, giúp con cháu, người thân thôi khóc, dứt ra để về với thế giới lao động, sinh hoạt bình thường. Chứ ngày xưa có những nhà cúng đến 3 năm, nhiều đêm ra đồng ấp mộ (ngủ ôm mộ), khóc ròng mãi thì cũng hại sức khỏe.

Cúng 100 ngày có ý nghĩa gì?

Gia đình Việt Nam nhà nào cũng vậy, rất chú trọng bữa cơm trong gia đình, đây chính là giây phút đầm ấm nhất để gia đình có thể tụ họp, quây quần hạnh phúc bên nhau. Mỗi ngày có hai bữa cơm là giờ phút đầm ấm nhất.

Trong nhà có người về muộn, mọi người cũng cố chờ về ăn cơm một lúc cho vui vẻ, đầm ấm. Tục cúng 100 ngày cũng xuất phát từ những quan niệm này. Như muốn nói lên sự tụ họp của gia đình, dù người đã quá cố nhưng cũng muốn dùng chung bữa cơm với gia đình.

Việc cúng 100 ngày hay 49 ngày tùy theo ở mỗi địa phương và mỗi phong tục và niềm tin của mỗi người khác nhau:

+ Người Trung Hoa quan niệm rằng: Sau khi mất, linh hồn của người mất phải đi qua 10 cửa ngục để được phán xét tội ác lúc còn sống trên thế gian. Vì vậy mà 7 tuần đầu sau khi mất đi qua 7 cửa ngục, tuần 100 ngày qua cửa thứ 8, tuần Tiểu tường giáp 1 năm linh hồn của người mất đi qua cửa thứ 9 và tuần Đại tường giáp 2 năm sau khi chết, qua cửa thứ 10.

Sau khi đi qua 10 cửa ngục ấy, linh hồn mới đi đầu thai. Do vậy cúng 100 ngày hay 49 ngày thì cũng đều mang chung 1 ý nghĩa là người sống muốn người đã mất sẽ được đầu thai, cứu người đã mất ra xa địa ngục bằng những hàng động những đức phước của người còn sống;

+ Theo thuyết của Phật giáo: Qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát. Có nơi cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc).

Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa. Vì vậy, gia đình cần phải cúng 100 ngày để đưa tiễn vong hồn người đã mất có thể về nơi an nghỉ. Giúp linh hồn người mất có thể thoải mái ra đi, không còn vương vấn trần tục.

Từ tuần này trở đi, con cháu người mất sẽ thôi không khóc nữa. Tuần tốt khốc thì con cháu cũng làm lễ để cúng và làm cỗ bàn mời họ hàng thân thuộc. Sau lễ 100 ngày, hằng năm con cháu lấy ngày chết là ngày làm giỗ.

Cúng 100 ngày cần chuẩn bị những gì?

Bữa cơm của gia đình người Việt Nam thường mộc mạc và giản dị. Do vậy, bữa cơm 100 ngày cũng như là một bữa cơm gia đình bình thường, có sự tụ họp của đông đủ các thành viên trong gia đình.

Trước bữa ăn người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, nhà ăn thứ gì cúng thứ đấy, thường là tinh khiết, không đòi hỏi cầu kỳ, nhà nghèo thì lưng cơm, đĩa muối cũng xong.

Thắp hương xong, dựng đôi đũa vào giữa bát cơm, có rượu thì rót chén rượu. Khấn vái xong cũng rót chén nước. Đây như là bữa cơm xum họp gia đình, vì vậy bạn cũng không nên chuẩn bị quá phô trương, chỉ cần là những món ăn đơn giản mà gia đình thường ăn cùng nhau trong những bữa cơm thường ngày.
(Nguồn: Internet)

0765.666.333